Giao thừa là khoảnh khắc thiêng liêng đánh dấu bước chuyển dịch từ năm cũ sang mới, là thời điểm quan trọng để chúng ta thực hiện nghi lễ cúng giao thừa. Dưới đây là bài cúng giao thừa Tết Nguyên đán, mời quý vị cùng đọc và tham khảo.
Đối với người dân Việt, giao thừa là thời khắc vô cùng đặc biệt với ý nghĩa tiễn biệt năm cũ, đón chào năm mới những điều mới. Theo phong tục truyền thống, cúng giao thừa sẽ cần phải chú ý chuẩn bị lễ cúng cũng như bài cúng giao thừa sao cho phù hợp và đầy đủ.
Sắp lễ cúng giao thừa
Là người Phật tử, chúng ta nên sắm lễ cúng giao thừa là những đồ chay như mâm ngũ quả, hương, hoa, đèn nến, bánh kẹo, mứt tết, bánh chưng chay, xôi gấc, mâm cỗ chay.
Nếu gia đình chưa có bàn thờ Phật, thì không sắm lễ cúng Phật, nhưng vẫn đọc phần cúng Phật, khi đọc thì hướng tâm tới Phật, nguyện dâng tất cả lễ đã sắm để cúng Phật, rồi thừa lộc Phật, vẫn hiến cúng được cho chư Thiên, chư Thần và các vong linh.
Lễ giao thừa rước năm mới là một nghi thức thiêng liêng của người Việt nói riêng và người Á Đông nói chung. Ở chốn thiền môn có nghi lễ đặc thù cho giao thừa. |
Bài cúng giao thừa ngoài trời (Theo văn khấn cổ truyền Việt Nam - NXB Văn hóa Thông tin)
Quý vị có thể tham khảo bài cúng giao thừa ngoài trời theo sách Văn khấn nôm truyền thống do Thượng toạ Thích Viên Thành biên soạn, NXB Thanh Hóa xuất bản:
Nam mô A-di-đà Phật (3 lần)
Kính lạy:
- Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.
- Con kính lạy Đức Đương Lai Hạ Sinh Di Lặc Tôn Phật.
- Con kính lạy Đức Bồ tát Quán Thế Âm cứu nạn cứu khổ chúng sinh.
- Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu thổ, chư vị tôn thần.
- Con kính lạy ngài cựu niên Hành khiển, cựu Hành binh chi thần, cựu Phán quan.
- Con kính lạy ngài đương niên Hành khiển, đương niên Hành binh chi thần, đương niên Phán quan.
- Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ hổ, Long mạch, Táo quân, chư vị tôn thần.
Nay là phút giao thừa năm Canh Tý với năm Tân Sửu.
Chúng con là: …, sinh năm: …, hành canh: … tuổi, cư ngụ tại số nhà: ..., ấp/khu phố: .., xã/phường …, quận/huyện/ thành phố …, tỉnh/thành phố …
Nhân phút thiêng liêng giao thừa vừa tới, năm cũ qua đi, đón mừng năm mới, tam dương khang thái, vạn tượng canh tân.
Nay ngài Thái Tuế tôn thần trên vâng lệnh Ngọc Hoàng Thượng đế, giám sát vạn dân, dưới bảo hộ sinh linh tảo trừ yêu nghiệt. Quan cũ về triều cửa khuyết, lưu phúc, lưu ân. Quan mới xuống thay, thể đức hiếu sinh, ban tài tiếp lộc.
Nhân buổi tân xuân, tín chủ chúng con thành tâm, sửa biện hương hoa phẩm vật, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án, cúng dàng Phật, Thánh, dâng hiến tôn thần, đốt nén tâm hương, dốc lòng bái thỉnh.
Chúng con kính mời: Ngài Cựu niên đương cai Thái tuế, ngài Tân niên đương cai Thái tuế chí đức tôn thần, ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị đại vương, ngài bản xứ thần linh Thổ địa, ngài Hỷ thần, Phúc đức chính thần, các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Long mạch, Tài thần, chư vị bản gia Táo quân, và chư vị Thần linh cai quản ở trong xứ này, cúi xin giáng lâm trước án thụ hưởng lễ vật.
Nguyện cho tín chủ, minh niên kháng thái, vạn sự tốt lành, bốn mùa tám tiết được chữ bình an, gia đạo hưng long thịnh vượng, bách sự hanh thông, ngày ngày được hưởng ơn trời, Phật, chư vị tôn thần.
Chúng con kính cẩn tiến dâng lễ vật, thành tâm cầu nguyện. Cúi xin chín phương trời, mười phương chư Phật cùng chư vị tôn thần chứng giám phù hộ độ trì.
Bài cúng giao thừa trong nhà
- Nam mô A-di-đà Phật (3 lần).
- Nam mô Đương Lai Hạ Sinh Di Lặc Tôn Phật.
- Nam mô Đông Phương Giáo Chủ Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật.
- Nam mô Đức Bồ tát Quán Thế Âm cứu nạn cứu khổ chúng sinh.
- Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.
- Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu thổ, Long mạch, Táo quân, chư vị tôn thần.
- Các cụ tổ tiên nội ngoại chư vị tiên linh.
Nay phút giao thừa năm Kỷ Hợi với năm Canh Tý.
Chúng con là : …sinh năm: …, hành canh: … tuổi, ngụ tại số nhà …, ấp/khu phố …, xã/phường ..., quận/huyện/thành phố …, tỉnh/thành phố …
Phút giao thừa vừa điểm, nay theo vận luật, tống cựu nghênh tân, giờ Tý đầu xuân, đón mừng Nguyên đán, tín chủ chúng con thành tâm tu biện hương hoa phẩm vật, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án, cúng dàng Phật- Thánh, dâng hiến Tôn thần, tiến cúng Tổ tiên, đốt nén tâm hương, dốc lòng bái thỉnh.
Chúng con kính mời: Ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, Hỷ thần, Phúc đức chính thần, ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Long mạch Tài thần, các ngài bản gia Táo phủ thần quân và chư vị Thần linh cai quản ở trong xứ này. Cúi xin giáng lâm trước án, thụ hưởng lễ vật.
Con lại kính mời các cụ tiên linh, cao tằng tổ khảo, cao tằng tổ tỷ, bá thúc đệ huynh, cô dì tỷ muội, nội ngoại gia tộc, chư vị hương linh, cúi xin giáng phó linh sàng thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ lại kính mời các vị vong linh tiền chủ, hậu chủ, y thảo phụ mộc ở trong đất này, nhân tiết giao thừa, giáng lâm trước án, chiêm ngưỡng tân xuân, thụ hưởng lễ vật.
Nguyện cho tín chủ, minh niên khang thái, vạn sự cát tường, bốn mùa được bình an, gia đạo hưng long, thịnh vượng.
Tâm thành cầu nguyện, lễ bạc tiến dâng, cúi xin chứng giám.
Nam mô A-di-đà Phật (3 lần, 3 lạy).
Lưu ý đối với Phật tử để thực hiện nghi lễ cúng giao thừa đúng Chánh pháp
Cúng giao thừa là lễ quan trọng nhất trong Tết Nguyên đán của người Việt. |
Đối với Phật tử tại gia, khi cử hành nghi lễ ở nhà mình cũng phải có tuệ giác soi sáng ý thức về những việc mình đang làm trong giây phút hiện tại. Như vấn đề tội phước của con người, nếu hạnh phúc của ta được xây dựng trên nền tảng đau khổ của muôn loài thì hương vị của hạnh phúc đó sẽ không còn nguyên vẹn. Thế nên trong nghi lễ cúng kính như lễ rước giao thừa ở nhà cũng nên bày biện lễ phẩm trang nghiêm tinh khiết, tránh những đồ huyết nhục theo tập quán hủ tục.
Tôi thấy có nhiều Phật tử lo lắng về việc chọn ai là người “xông đất” đầu năm cho nhà mình. Xưa nay người phương Đông vẫn quan niệm tìm người hợp tuổi để xông nhà đầu năm, nhưng mình lựa chọn tuổi, lại quên chọn tính tình của người đó, thì tại sao chúng ta không là người làm chủ vận mệnh của mình mà đi lệ thuộc vào người khác.
Theo quan niệm Đông phương, con người bị chi phối bởi ngũ Hành (kim-mộc-thủy-hỏa-thổ), nên lễ cúng giao thừa đầu năm thường bày mâm ngũ quả, tức là chọn năm loại trái cây có năm màu sắc chính: xanh, vàng, đỏ, trắng và đen để tượng trung cho ngũ hành tương sinh và cũng cầu mong được ngũ phúc lâm môn (Phú-Quý-Thọ-Khương-Ninh). Thế nhưng người đời không hiểu lại quan trọng hóa năm loại trái cây dựa theo tên gọi (chôm-cầu-dừa-đủ-xoài-sung…)…Đây là một điều gây ngộ nhận thật đáng tiếc.
Về nghi lễ giao thừa tại tư gia, sau khi đèn nến lung linh, hương trầm quyện tỏa, vị trưởng thượng trong gia đình sẽ dâng hương tham lễ hoàng thiên, hậu thổ nghinh xuân tiếp phước và đọc lời khấn nguyện, sau đó tuần tự mọi người trong nhà ra bái yết. Đây là truyền thống thể hiện sự biết ơn trời đất che chở, cội nguồn tâm linh và sự tôn ti trật tự cần được duy trì khi văn hóa đạo đức đang trên đà xuống dốc như hiện nay.
Cũng cần chia sẻ thêm, hiện nay nhiều người tự xưng là Phật tử mà vẫn còn đặt nặng vấn đề chọn người “xông đất” đầu năm cho nhà mình. Người ta quan niệm rằng phải tìm người hợp tuổi với gia chủ mà quên rằng người có đạo đức quang lâm mới là quý. Theo Phật giáo, ta phải tự làm chủ vận mệnh của mình (tội phúc vô môn, duy nhân tự triệu – tội phúc không có cửa vào, chỉ do ta đem đến mà thôi). Vì thế, vào thời khắc giao thừa năm mới, mọi người đến chùa dâng hương lễ Phật để tu phúc, tích đức rồi đem những lộc Phật về xông đất nhà mình là tốt nhất.
Về việc hóa sớ giao thừa hay là các bản văn trong việc cúng kính cũng không hẳn là hình thức mê tín dị đoan mà đây là vấn đề khéo léo khi xử lý bản văn sớ. Trong văn sớ có ghi Hồng danh chư Phật, Bồ-tát và tên họ của ông bà cha mẹ của mình nên không thể vứt bỏ lung tung mà phải hóa đi để thể hiện sự trang trọng và lòng tôn kính của người có hiểu biết.
Nguồn: phatgiao.org.vn