Tại sao một số người cho rằng những âm thanh kỳ lạ nghe được là tiếng người chết, trong khi số khác lại cảm thấy phiền muộn, thậm chí đi khám tâm lý?
Chắc nhiều người trong chúng ta cũng biết rằng, trên đời này có những người luôn khẳng định mình có thể nghe được âm thanh của người chết, của linh hồn. Dĩ nhiên, đây là một hiện tượng chắc chắn là rất khó tin. Người thì tin tưởng, kẻ thì bán tín bán nghi. Nhưng còn khoa học nghĩ gì về hiện tượng này?
Trên thực tế, hiện tượng thấu thị và thấu thính - khả năng cảm nhận hoặc nghe thấy những thứ tưởng như không tồn tại - vốn là một lĩnh vực được khoa học rất quan tâm. Về cơ bản, các nhà nghiên cứu muốn hiểu hơn về việc tại sao một số người có trải nghiệm thấu thính lại cho rằng đó là hiện tượng tâm linh, trong khi số khác lại cảm thấy phiền toái, thậm chí đi khám chẩn đoán bệnh tâm lý.
"Những người theo thuyết duy linh thường cho đây là trải nghiệm tích cực, bắt nguồn từ khi còn nhỏ và sau đó có thể được kiểm soát," - Peter Moseley, nhà tâm lý học từ ĐH Northumbria (Anh) giải thích.
"Việc thấu hiểu hiện tượng này là rất quan trọng, vì nó giúp chúng ta hiểu hơn về những người cảm thấy mệt mỏi hoặc không thể kiểm soát các âm thanh mà họ nghe thấy."
Moseley cùng đồng nghiệp - nhà tâm lý học Adam Powell từ ĐH Durham (Anh) đã khảo sát hơn 65 người gặp hiện tượng thấu thính cỡ trung tại Liên hiệp Tâm linh Quốc gia (Anh), cùng với 143 người trên mạng xã hội tin vào chủ nghĩa này, dù không gặp các trải nghiệm trên.
Tổng cộng, 44,6% các nhà duy linh cho biết họ nghe thấy giọng nói của người chết mỗi ngày, và 79% cho biết nó là một phần cuộc sống của họ. Đa số báo cáo họ nghe thấy giọng nói trong đầu, nhưng có 31,7% ghi nhận giọng nói từ bên ngoài nữa.
Kết quả khảo sát được đánh giá là rất bất ngờ. Mặt bằng chung của công chúng, những người duy linh thường tin vào các hiện tượng huyền bí, và cũng không quan tâm người khác nghĩ gì về họ.
Đáng chú ý, những người duy linh trong nghiên cứu đều cho biết họ nghe thấy những âm thanh như vậy từ khi còn khá trẻ, ở độ tuổi trung bình là 21,7 và có xu hướng "đắm chìm" cao hơn. "Đắm chìm" - absorption - là một thuật ngữ chỉ việc họ đắm mình trong những hoạt động về tinh thần, và xao nhãng đi thế giới xung quanh. Thêm vào đó, những người này dường như dễ gặp các trải nghiệm tựa như ảo giác hơn người thường.
Những kết quả trên khiến các nhà khoa học đưa ra nhận định rằng "âm thanh của người chết" dường như không phải đến từ áp lực, xã hội hoặc niềm tin vào hiện tượng huyền bí. Thay vào đó, họ theo chủ nghĩa duy linh đơn giản là vì chúng khớp với những gì họ trải nghiệm, và có ý nghĩa đối với từng cá nhân.
Moseley kết luận, các nghiên cứu trong tương lai cần xét đến ảnh hưởng của văn hóa đối với niềm tin, sự đắm chìm và các trải nghiệm giao tiếp với người chết - thứ mà đến nay khoa học vẫn chưa thể chính thức xác định một cách rõ ràng.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Mental Health, Religion and Culture.