Giáo lý đức Phật thường đề cập đến nhân duyên. Nhân tức là hạt giống để từ đó sinh ra quả. Duyên là một điều kiện để nhân tạo quả. Hoa thơm, trái ngọt, không chỉ phụ thuộc vào giống tốt mà còn phụ thuộc vào cái duyên của thiên thời địa lợi.
Con người do nhân duyên hòa hợp mà tạo thành. Đó là sự kết hợp của ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Thân thể có được là vì một nhân duyên do cha mẹ tạo nên. Tình cảm, lý trí, nhận thức (thọ, tưởng, hành, thức) cũng do nhân duyên mà hình thành. Phật dạy, bởi vạn pháp đều vô thường. Nhân duyên là một pháp, nên nhân duyên cũng vô thường. Vì vô thường nên nhân duyên sinh ra sắc cũng vô thường.Hầu hết những cuộc gặp gỡ trên đời đều do nhân duyên.
“Sắc là vô thường. Nhân và duyên sanh ra các sắc cũng vô thường. Vậy, các sắc được sanh từ nhân và duyên vô thường, làm sao có thể là thường được?
“Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng là vô thường. Vậy, các thức được”. [1]
Phật dạy các vị Tỳ-kheo phải hành trì chân thật chánh quán ngũ uẩn vô thường. Vị tỳ kheo hành trì chân thật chánh quán sẽ nhàm tởm sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Do nhàm tởm nên không còn ham muốn, vì không ham muốn nên được giải thoát [2].
Giải thoát là vắng mặt của vô minh và phiền muộn lo âu, đau khổ, sợ hãi của sanh, lão, bệnh, tử. Đó là Niết Bàn.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Dưới đây là bài Kinh Duyên (số 11 & 12) trong Tạp A Hàm Kinh:
Con người do nhân duyên hòa hợp mà tạo thành.
KINH 11. NHÂN DUYÊN (1)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Sắc là vô thường. Nhân và duyên sanh ra các sắc, chúng cũng vô thường. Vậy, các sắc được sanh ra từ nhân và duyên vô thường, làm sao có thể là thường được?
“Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức là vô thường. Nhân và duyên sanh ra các thức, chúng cũng vô thường. Vậy, các thức được sanh ra từ nhân và duyên vô thường, làm sao có thể là thường được?
“Như vậy, các Tỳ-kheo, sắc là vô thường, thọ, tưởng, hành, thức là vô thường. Cái gì là vô thường thì cái đó là khổ. Cái gì khổ thì chúng chẳng phải ta. Cái gì chẳng phải ta thì không phải là sở hữu của ta. Thánh đệ tử quán sát như vậy, nhàm chán sắc, nhàm chán thọ, tưởng, hành, thức. Do nhàm chán nên không thích. Vì không thích nên giải thoát và có tri kiến về giải thoát, biết rằng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”
Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 12. NHÂN DUYÊN (2)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Sắc là vô thường. Nhân và duyên sanh ra các sắc cũng vô thường. Vậy, các sắc được sanh từ nhân và duyên vô thường, làm sao có thể là thường được?
“Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng là vô thường. Vậy, các thức được sanh ra từ nhân và duyên vô thường làm sao có thể là thường được?
“Như vậy, các Tỳ-kheo, sắc là vô thường, thọ, tưởng, hành, thức là vô thường. Cái gì là vô thường thì cái đó là khổ. Cái gì khổ thì chúng chẳng phải ta. Cái gì chẳng phải ta thì không phải là sở hữu của ta. Quán sát như vậy gọi là chân thật chánh quán. Thánh đệ tử quán sát như vậy thì sẽ giải thoát khỏi sắc, giải thoát khỏi thọ, tưởng, hành và thức. Ta nói, đó cũng là giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não như vậy.”
Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Hoàng Phước Đại – Đồng An
Nguồn: https://phatgiao.org.vn/loi-phat-day-ve-nhan-duyen-d48861.html
Tags:
Phật Giáo