Chữ "duyên" trong đạo Phật có nghĩa là gì?

Trong kinh, đức Phật đã nói bốn loại nhân duyên. Tất cả chúng ta có mặt với nhau ở đây không phải tự nhiên mà do có nhân duyên với nhau nhiều đời nên nay mới gặp.

Chúng ta gặp gỡ trong đời một chữ 'duyên'

Duyên vốn là từ gốc Hán có nghĩa là nguyên nhân; duyên do, duyên cớ phát sinh ra sự việc…Cảm nhận về chữ duyên có vị trí đặc biệt trong “tâm cảm” người Việt, trong đời sống nhân sinh, đời sống tình cảm lứa đôi trai gái, và đặc biệt trong đời sống tu học Phật và là thuật ngữ được sử dụng nhiều trong Phật giáo.

Chưa quen nhau nay được gặp nhau gọi là hữu duyên.

Muốn làm một việc gì đó giúp người khác biết về Phật pháp gọi là kết duyên.

Ấn tống kinh sách, băng đĩa, giảng pháp cho người khác nghe gọi gieo duyên.

Những gì đã đến và chưa đến với mình gọi là nhân duyên.

Mình thường hay làm những việc thiện giúp đỡ mọi người gọi là thiện duyên.

Mình thường hay làm những điều xấu ác hại người gọi là ác duyên.

Mình làm việc gì cũng gặp phải sự trắc trở trái ý mình gọi là nghịch duyên.

Mình làm việc gì cũng suôn sẻ đúng với ý mình gọi là thuận duyên.

Mình thường hay mắc phải những tật xấu gọi là nghiệp duyên.

Có những việc mình chưa biết làm được hay không được gọi là tùy duyên.

Trong cuộc sống những điều tốt đẹp may mắn thường hay đến với mình gọi là phước duyên.

Có những điều tốt đẹp đến với mình hơn cả những gì mình mong đợi gọi là thắng duyên.

Chữ duyên là một trong những thuật ngữ quan trọng của Phật giáo, thường đi kèm với nhân duyên. Trong cụm từ nhân-duyên-quả, nhân là nguyên nhân chính, duyên là những tác nhân phụ, quả là kết quả của nhân và duyên khi đã hội đủ hay đã chín muồi. Ví dụ hạt lúa là nhân; các điều kiện liên quan như đất, nước, thời tiết, chăm sóc là duyên; đến mùa gặt bội thu những bông lúa vàng là quả.

Không chỉ dừng lại ở đó, nghĩa là không chỉ một tuyến nhân-duyên-quả đơn thuần mà thực tế, nhân chính của tuyến này lại là duyên và quả của tuyến khác, duyên của tuyến này lại là nhân và quả của tuyến khác, quả của tuyến này lại là nhân và duyên của tuyến khác nữa. Cứ thế các chuỗi nhân-duyên-quả nương tựa vào nhau, tương tác lẫn nhau, hỗ trợ cho nhau điệp điệp trùng trùng để hình thành muôn hình vạn trạng trong cuộc sống này.

Nói nhân duyên sinh là đề cập đến sự sinh khởi (bao hàm cả trụ-hình thành, dị-thay đổi, diệt-đoạn diệt) của mọi sự vật hiện tượng trong tự nhiên theo tiến trình nhân-duyên-quả. Từ vũ trụ bao la, sơn hà đại địa cho đến cát bụi nguyên tử; từ các hiện tượng tự nhiên cho đến những hiện tượng xã hội… tất cả đều do nhân duyên mà sinh khởi và đoạn diệt.

Gặp gỡ trong đời một chữ 'duyên'

Theo lời Phật dạy, giữa người với người luôn tồn tại một mối nhân duyên từ kiếp trước, vì vậy, trong cuộc sống này, khi ta gặp và yêu thương một ai đó đều có nguyên do. Không ai là vô duyên vô cớ xuất hiện trong cuộc đời của bạn cả, sự xuất hiện của mỗi người đều đáng được cảm kích.

Mọi thứ bắt đầu từ duyên phận, kết thúc cũng lại do duyên phận. Khó có ai trong đời chưa một lần thốt lên cái câu quen thuộc: “Thôi thì cái duyên cái số”, hay “Duyên phận đã định rồi”.

Có phải thực sự duyên phận đã được trời định rồi hay không, hay tất cả là do con người tự tạo? Khi đầy yêu thương, người ta thường nói “có duyên” để tìm cơ hội gần gũi. Lúc đã cạn tình cảm, người ta lại nói “hết duyên” để lấy cớ dứt tình. Thực ra gặp gỡ được nhau thì đúng là thiên duyên, còn vui hay buồn, hợp hay tan, gần hay xa, đi hay ở, nắm hay buông, nâng lên hay đặt xuống, đón nhận hay chối bỏ, phải chăng đều là do trần định, đều nằm trong chính nhân thế lòng người.

Bạn chỉ là người khách qua đường trong cuộc đời của người khác, chỉ có thể cùng người khác đi cũng chỉ một đoạn đường đời. Điều đó chính là tính hữu hạn mà bạn cho được người khác, vậy thì làm sao có thể mong cầu người khác cho đi sự vô hạn được?

Mười năm, hai mươi năm hay một trăm năm của một đời người, cũng chỉ là một đoạn đường. Chúng ta chỉ có thể có duyên cùng đi với nhau chỉ một đoạn nào đó thôi, đừng nhầm lẫn cố chấp, sở hữu. Khoảnh khắc hiếm hoi nào còn duyên, có được, chúng ta nên quan tâm, cho ra hơn là nghĩ người khác phải tuân thủ theo kiểu của mình. Như thế, sẽ không bị nhận hiểu sai lầm, biết tôn trọng và giúp đỡ người khác, đưa đến một cuộc sống tích cực, vui tươi, không làm khổ mình và người.

Theo: Phật Giáo Việt Nam

Post a Comment

Previous Post Next Post