Tâm bình yên tĩnh lặng chính là sự thành công

Tâm lí chung của mọi người thường quan niệm rằng, thành công là phải có sự nghiệp vĩ đại, có danh vọng, có địa vị, có tài sản, có nhiều người vây quanh ủng hộ. Một người như thế mới là “người thành công” trong mắt mọi người.

Thực ra, muốn thành công như thế không khó cũng không phải là chuyện dễ. Nhìn chung không phải ai cũng làm được điều này nhưng ai cũng có cơ hội. Ví dụ như tôi, tôi thuyết pháp trên chương trình truyền hình cho mọi người, xem ra là việc không dễ chút nào, vì thế nhiều người nghĩ rằng, tôi là một người thành công. Nhưng, điều đó không có nghĩa là những người khác không thể làm được. Hơn nữa, đấy có phải là thành công? E rằng chúng ta cần phải suy nghĩ kĩ về điều này.

Vậy, rốt cuộc thành công là gì, làm sao để định nghĩa thành công? Khổng Tử lấy tam bất hủ: lập đức, lập công, lập ngôn làm tiêu chuẩn của thành công. Lập ngôn tức là người nêu ra những kiến giải có đạo lí làm chuẩn mực cho mọi người nương theo nhằm gặt hái những thành quả tốt đẹp. Thực ra muốn thành công trong việc “lập ngôn” không phải là điều dễ làm. Muốn làm được điều này đòi hỏi bản thân người đó phải có nhiều sáng kiến, có nhiều thành công chứ không đơn giản chỉ là cái máy phát thanh, chỉ nói nhưng không thực tế, không có bằng chứng chứng minh cụ thể.

Mình đến với cuộc đời này không uổng phí, không sống luống qua ngày tức đã có thể xem bạn là người thành công. Ảnh minh họa.

Ý nghĩa chữ “đức” trong chữ lập đức chỉ cho đức hạnh. Bất luận về phương diện nào, cách đối nhân xử thế, tâm tính, tố chất làm người chỉ cần làm điều có lợi cho người khác, có lợi cho xã hội đều được gọi là “lập đức”. Người xưa thường nói “đức của đấng quân tử là gió, đức của người bình thường là cỏ”, bậc quân tử lập đức tức là tạo nên một phong tục, tập quán tốt đẹp, giàu tính mô phạm gương mẫu để mọi người nương theo, có khả năng chuyển hóa từ xấu thành tốt cho một nhóm người, một xã hội, một đất nước thậm chí chuyển hóa cho cả muôn đời.

“Lập công” nghĩa là làm những việc cần thiết trong những lúc cần thiết nhằm tạo phúc cho số đông. Trong “tam bất hủ” đó, lập công là hữu hình, dễ nhìn thấy, người khác có thể nhận biết bằng ngũ quan. Nó không giống như “lập đức”; đức được ví như một sức mạnh có khả năng chinh phục, chuyển hóa từ xấu thành tốt, tuy nó vô hình nhưng có sức mạnh và sức sống rất lớn.

Còn lập ngôn tức là dùng lời lẽ, lập luận để làm công cụ cảm hóa người khác, có thể là lập công cũng có thể là lập đức. Người nào thực hiện được ba điều đó được xem là người có thành công trong cuộc sống, bất luận tầm ảnh hưởng lớn nhỏ, nhiều ít. Thế nên, nếu lấy ba điều đó làm quy chuẩn đánh giá thành công thì bất kì ai cũng có cơ hội thành công; xét về mặt tương đối, hiện nay một số người được xem là công thành danh toại trong xã hội nhưng không được tính là đã thành công.

Rất nhiều người có sự nghiệp lớn trong xã hội hiện nay lại thiếu đạo đức; người có danh vọng cũng chưa hẳn là người đúng đạo lí. Vì thế xã hội hiện nay chỉ lấy tiền bạc làm thước đo giá trị con người. Thực ra những người có chức cao vọng trọng, có địa vị xã hội, có quyền thế, có nhiều tiền của chưa hẳn đã là người đóng góp công lao cho xã hội, chưa hẳn đã có cống hiến cho lịch sử. Vì thế sự thành công đích thực phải được đánh giá qua ba chuẩn mực mà đức Khổng Tử đã nêu trên.

Với phần lớn mọi người, việc lập ngôn, lập công, lập đức là điều khó làm, là điều viển vông. Thực ra, lập đức chính là sống đúng lương tâm của mình, không làm những điều trái với lương tâm, tuân thủ đạo đức, bản thân việc đó đã là “lập đức” rồi. Lập công, thành công tức là phải biết giúp đỡ người khác, nếu lời nói và việc làm của mình đều có lợi cho mình cho người, đó cũng là lập công, cũng là người thành công. Lập ngôn tức là biết an ủi, khích lệ người khác về mặt lời nói hoặc cả về quan niệm, thậm chí chỉ cần bạn biết khuyên nhủ người khác bỏ ác làm lành là bạn đã thực hiện thành công “lập ngôn”. Lấy những điều này làm tiêu chuẩn đánh giá thành công, thì ai ai cũng có thể “lập ngôn”, “lập công”, “lập đức”.

Khi phúc đức và trí tuệ tăng trưởng viên mãn thì lúc đó chúng ta mới xem là đại thành công. Ảnh minh họa.

Nếu một người sống đến lúc gần trút hơi thở cuối cùng mới phát hiện mình sống một cuộc đời vô nghĩa, sống uổng, sống phí hoài, cảm thấy chết còn nhiều ân hận, chết không nhắm mắt; người như thế thì dù khi họ còn sống có bao nhiêu tiền bạc cũng xem như là người thất bại. Chỉ cần bạn cảm thấy rằng, mình đến với cuộc đời này không uổng phí, không sống luống qua ngày tức đã có thể xem bạn là người thành công. Không nói đến một đời, chỉ cần một ngày bạn thấy sống có ý nghĩa thì bạn đã thành công một ngày, có công đức của một ngày chỉ một giờ có ích cũng có công đức của một giờ.

Thành công dù lớn nhỏ, nếu bạn biết tích lũy dần, cuộc đời bạn sẽ “đại thành công”, nhờ thế trí tuệ và phúc đức chúng ta cũng sẽ tăng trưởng. Khi phúc đức và trí tuệ tăng trưởng viên mãn thì lúc đó chúng ta mới xem là đại thành công chứ thành công không phải là chiếc cân chỉ biết đo số vàng, tiền mà con người sở hữu, cũng không phải là thước để đo địa vị của người đó trong xã hội, trong cuộc đời này.

Trích "Tìm lại chính mình"
Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm

Post a Comment

Previous Post Next Post