Danh dự, uy tín, tiếng tăm cũng là một cái chấp rất lớn của con người. Vì bị hạ nhục, vu oan, người ta sẵn sàng sống chết với nhau đến cùng. Đó là con người ở thế gian. Nhân đây ta nhớ lại tấm gương nhẫn nhục vĩ đại của các vị thiền sư, mà tiêu biểu là câu chuyện của Thiền sư Bạch Ẩn Huệ Hạc.
Sau khi ngộ đạo, Ngài đã tìm về miền quê sống trong một căn chòi gần người dân rồi ngày ngày chăn bò. Trong làng bỗng có cô gái chửa hoang, đây là chuyện động trời, là nổi nhục của ê chề cho cả gia đình, dòng họ. Cha mẹ cô tra hỏi và trách mắng, vì quá sợ hãi cô đành nói bừa tác giả của bào thai là Thiền Sư Bạch Ẩn. Rất tức giận, họ tìm đến Ngài và mắng chửi thậm tệ. Khi ấy Ngài chỉ nói: "Vậy hả". Tin về vụ tai tiếng lan nhanh khắp thị trấn và bay xa ra những vùng lân cận khiến uy danh của Thiền Sư giảm sút. Bị vu khống hạ nhục đến mức độ đó nhưng Ngài vẫn bình thản, tâm không gợn chút phiền não xao động.
Sau khi đứa trẻ ra đời, người ta mang nó đến buộc Ngài phải nuôi nấng. Vị Thiền sư chẳng nói gì, chỉ nhận lấy đứa bé, yêu thương, chăm sóc, rồi ngày ngày đi xin sữa cho đứa trẻ ăn.
Trước đức độ của Ngài như vậy, thời gian sau cô gái không chịu nổi nữa đành thú nhận với bố mẹ rằng cha đứa trẻ là anh hàng cá ngoài chợ. Quá ân hận, họ tìm đến vị thiền sư để tạ lỗi và mong ông tha thứ. Ngài cũng chỉ nói:"Vậy hả" rồi trao đứa bé lại cho họ. Đến mức độ này thì ta chỉ muốn sụp xuống lạy Ngài, vì không còn ngôn từ nào có thể diễn tả được đức độ cao thâm, sự bình an tự tại và lòng từ bi vô hạn của thiền sư.
Người chân tu vĩ đại là thế! Còn người thường thì chấp danh dự này của tôi, uy tín này của tôi, hơn thua nhau từng lời ăn tiếng nói, cãi cho đến cùng: "Tôi không làm, sao lại đổ cho tôi?", "Tôi là người tốt, sao mắng tôi xấu xa?"...Và những cái chấp như thế chỉ khiến ta chất chồng thêm phiền muộn mà thôi.
Trích sách "Nói với chính mình"
Tags:
Góc Tĩnh Tâm