Theo quan niệm dân gian, vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, mỗi gia đình sẽ làm một mâm cỗ cúng ông Công ông Táo lên chầu trời, báo cáo về những việc đã làm trong một năm qua.
Thời gian cúng ông Công ông Táo
Theo quan niệm dân gian, các gia đình có thể cúng ông Công, ông Táo vào trước 12h trưa 23 tháng Chạp. Theo các chuyên gia văn hóa, mọi người có thể cúng tiến ông Công, ông Táo bắt đầu từ ngày 21 tháng Chạp cho tới ngày 23 tháng Chạp.
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo đầy đủ
Dù "tùy tiền biện lễ" nhưng hầu như mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo đều có những lễ vật sau:
Mũ ông Công ba cỗ: Hai mũ của hai Táo ông và một mũ của Táo bà. Mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có cánh chuồn.
Cá chép: Tượng trưng cho phương tiện tiễn ông Công, ông Táo lên chầu trời. Ngày nay, cá chép có thể là cá sống hoặc làm bằng giấy.
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo có thể tùy theo từng gia đình, văn hóa vùng miền.
Tùy theo từng gia đình có thể chuẩn bị những lễ vật cúng ông Công, ông Táo khác nhau và còn phù thuộc vào văn hóa của từng vùng miền. Ngoài các lễ vật chính kể trên, thì còn có lễ mặn, hay lễ chay (với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc…) để tiễn Táo Quân.
Một mâm cỗ mặn cúng ông Công ông Táo thường gồm các thứ sau:
- 1 đĩa gạo
- 1 đĩa muối
- 5 lạng thịt vai luộc (hoặc thịt gà)
- 1 bát canh
- 1 đĩa xào
- 1 đĩa giò
- 1 con cá chép rán (hoặc cá chép sống)
- 1 đĩa xôi gấc
- 1 đĩa hoa quả
- 1 ấm trà sen
- 3 chén rượu
- quả cau, lá trầu
- 1 lọ hoa
- 1 tập giấy tiền, vàng mã
Nhiều bà nội trợ cũng chủ động thay các món trong mâm cỗ, như thay đĩa thịt lợn luộc bằng gà luộc, hoặc thay đổi các món canh.
TUYẾT ANH (T/H)
Nguồn: laodong.vn