Nên cúng rằm tháng Chạp như thế nào?

 

Theo phong tục truyền thống của người Việt, ngày Rằm và ngày mồng Một (âm lịch) các gia đình sẽ thường sửa soạn lễ để cúng các vị thần linh và tổ tiên. Lễ cúng vào ngày mồng Một còn được gọi là lễ Sóc là ngày khởi đầu của một tháng mới cầu điều may mắn và thành công.

Ngày rằm nói chung và ngày rằm tháng Chạp nói riêng còn được biết đến với tên gọi ngày Vọng. Đây là thời điểm có sự thông suốt của mặt trăng và mặt trời, điều đó có nghĩa con người và thần linh, tổ tiên tương thông với nhau, những lời cầu nguyện của con người sẽ dễ được cảm ứng hơn. Lễ cúng ngày Rằm thường diễn ra vào ngày 14-15 âm lịch. Theo quan niệm của người Việt, trong năm có 3 ngày Rằm lớn, rất quan trọng là Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Bảy và Rằm tháng Chạp. Bởi thế, vào ngày này, người ta thường biện mâm lễ với tấm lòng thành kính để dâng lên chư Phật, thần linh bản xứ, tổ tiên, mong cầu cho các thành viên trong gia đình bình an, hạnh phúc.

Trong tháng Chạp, ngoài hai lễ cúng quan trọng là cúng ông Công ông Táo, cúng Tết niên thì lễ cúng rằm tháng Chạp cũng được dân gian khá coi trọng. Lễ cúng rằm tháng Chạp còn là cách để con người có thể đẩy lùi những thứ cũ kỹ sâu thẳm trong lòng. Tùy theo từng tập tục của mỗi địa phương mà lễ cúng rằm tháng Chạp lại có những quy định, thay đổi về thời gian khấn hay đồ lễ cúng khấn.

Rằm tháp Chạp là một trong ba ngày lễ lớn theo truyền thống của người Việt.

Rằm tháp Chạp là một trong ba ngày lễ lớn theo truyền thống của người Việt.

Xin gửi tới Quý vị một câu chuyện trong Kinh điển về quả báo cùa việc sát sinh để cúng tế.

Ngày xưa, để cúng tế người thân quá cố, người ta hay giết rất nhiều dê, cừu... gọi là “vật tế người chết”. Chư Tỳ-kheo thấy ai cũng làm như thế bèn hỏi đức Phật:

– Thế Tôn! Thiên hạ giết rất nhiều thú vật để cúng tế người chết. Làm như thế thì có công đức nào?

Đức Phật dạy:

– Này chư Tỳ-kheo, sát sinh để cúng tế người chết không hề có một công đức nào hết. Từ xưa đã có người hiền ngồi trong hư không mà thuyết pháp, nói tới các tội chướng của việc sát sinh, khiến cho người trong cõi Diêm Phù bãi bỏ việc sát sinh để cúng tế. Thế mà chuyện quá khứ nay lại xuất hiện nữa rồi!

Đức Phật nói xong, tiếp tục kể chuyện xưa:

– Trong quá khứ, ở nước Ba La Nại có một vị giáo sư Bà-la-môn danh tiếng, tinh thông ba tạng Vệ Đà, muốn cúng tế người chết nên đi bắt một con dê và dặn dò mấy người học trò rằng:

– Đem con dê này ra bờ sông tắm rửa, đeo hoa lên cổ cho nó, mua 5 đồng tiền thức ăn cho nó ăn, sửa soạn cho nó xong rồi dẫn nó về.

Mấy người học trò tuân lệnh đem dê ra bờ sông tắm rửa, và sửa soạn cho nó ngay tại đấy. Con dê thấy được nghiệp kiếp trước của mình, biết rằng hôm nay đã đến ngày mình thoát khỏi mọi khổ đau, mừng vui cười lớn, phát ra những âm thanh như tiếng bình vỡ. Nhưng nghĩ tới ông Bà-la-môn kia sắp đem mình ra giết và sẽ phải chịu quả báo đau khổ, bất giác sinh tâm thương xót cho ông ta, bèn lớn tiếng òa lên khóc. Những học trò của ông Bà-la-môn liền hỏi:

– Dê này, khi thì mi cười lớn, khi thì mi lại khóc to, là tại sao vậy?

– Xin dắt tôi về gặp thầy của các người rồi hãy hỏi lại tôi câu ấy.

Đám học trò bèn dắt dê về, đem mọi sự kể lại cho thầy nghe. Thầy Bà-la-môn nghe kể xong hỏi dê:

– Tại sao mi cười rồi lại khóc?

Dê moi trong ký ức để hồi tưởng lại túc nghiệp của mình, đáp lời ông Bà-la-môn rằng:

– Bà-la-môn, ngày xưa tôi cũng là một vị Bà-la-môn, đọc tụng tinh thông quyển kinh “Ma Nô Pháp điển” như ông vậy. Vì muốn tế người chết nên tôi giết dê đem cúng, và trong 499 đời, tôi đã phải chịu quả khổ chết đứt đầu. Bây giờ là kiếp cuối cùng thứ 500, hôm nay tôi sẽ thoát hết mọi đau khổ, vì thế tôi mới vui mừng mà cười to. Tôi lại khóc ngay sau đó, là vì tôi giết một con dê mà 500 đời phải bị cái nạn đầu lìa khỏi cổ, tuy hôm nay tôi sẽ thoát tai ách đó rồi, nhưng nghĩ tới ông, Bà-la-môn, ông giết tôi rồi lại sẽ chịu cái khổ chết đứt đầu trong 500 đời như tôi, tôi xót thương ông mà khóc.

– Dê ơi đừng sợ, ta sẽ không giết mi đâu.

– Bà-la-môn, ông nói gì thế? Ông giết hay không giết tôi, hôm nay tôi cũng không thể thoát chết được.

– Dê đừng sợ, ta sẽ bảo vệ mi, sẽ đi cùng đường với mi.

– Bà-la-môn! Sức bảo vệ của ông rất yếu, mà tội ác của tôi đã tạo lại rất lớn!

Bà-la-môn đem dê đi thả, và ra lệnh không ai được giết nó, rồi sai bọn học trò cùng đi chung đường với dê. Dê được tự do, chạy vào khu rừng cây rậm ở dưới một mõm đá cao, vươn cổ lên gặm lá cây mà ăn. Đúng ngay sát na ấy, trên đỉnh mõm đá bỗng vang lên một tiếng sấm, một góc của tảng đá bị nẻ ra, rơi trúng ngay cổ con dê đang vươn lên lúc ấy, thế là dê bị đứt đầu mà chết. Có rất nhiều người bèn chạy đến tập trung xung quanh.

Lúc ấy, ta là thần cây chỗ ấy, thấy mọi người như thế bèn dùng thần lực ngồi ngay ngắn giữa hư không. Để cho những chúng sinh ấy biết quả báo của ác nghiệp mà không sát sinh nữa, ta thuyết pháp để cảnh giác họ cái khổ ghê rợn dưới địa ngục. Mọi người nghe pháp ấy, quá kinh sợ việc bị đọa địa ngục, từ đó ngưng bặt việc sát sinh. Ta cũng dạy mọi người thọ trì giới hạnh, và ai cũng nghe lời ta dạy, tích tụ những việc thiện như bố thí... nên cuối cùng ai cũng được sinh lên cõi trời.

Sát sinh để cúng tế không hề có phúc báo mà còn là một việc tội lỗi, những người thích sát sinh cúng tế hãy mau hồi tỉnh. Những người thích sát sinh tế tự, nếu nghe được những lời này của đức Phật thì hay biết bao!

Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên

Nguồn: phatgiao.org.vn

Post a Comment

Previous Post Next Post