Hiện tượng bóng đè – hay còn gọi là tê liệt khi ngủ - có thể xảy ra với bất kỳ ai. Dù không nguy hiểm đến tính mạng, đây vẫn là nỗi sợ đối với nhiều người khi đi kèm với ảo giác, ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Theo nghiên cứu, có 7,6% số người trên thế giới thường gặp phải tình trang này. Dấu hiệu cơ bản của hiện tượng bóng đè là đột ngột thức giấc, não có nhận thức nhưng cơ thể không cử động hay phát ra âm thanh. Hiện tượng tê liệt này thường xảy ra khi chuyển giao giữa hai trạng thái ngủ sâu và thức giấc, kéo dài từ vài giây đến vài phút. Cảm giác sẽ chấm dứt khi bạn cử động được một phần cơ thể.
Trong một số trường hợp, bóng đè đi kèm với áo giác ghê rợn, khiến con người lo lắng và sợ hãi, thậm chí còn xuất hiện tin đồn về yếu tố tâm linh liên quan đến hiện tượng này. Khi bị tê liệt, có người cho rằng đã nhìn thấy những bóng đen cùng tiếng động ma quái, cảm giác bị kéo ra khỏi giường, bay hoặc những rung động chạy khắp cơ thể. Trên thực tế, những “ảo giác” này diễn ra khi tâm trí hoàn toàn tỉnh táo, khiến bạn rơi vào trạng thái tuyệt vọng và hoảng sợ.
Ảnh: BrightSide |
“Bóng đè” là hiện tượng khoa học
Trên thực tế, không có yếu tố tâm linh nào tác động đến chứng tê liệt khi ngủ. Giải thích về hiện tượng này, giới khoa học cho rằng nguyên nhân đến từ những biến động trong giai đoạn giấc ngủ REM (Rapid Eye Movement – chuyển động mắt nhanh). Đây là giai đoạn não bộ hoạt động mạnh khi cơ thể đang nghỉ ngơi, các giấc mơ cũng thường xuất hiện trong khoảng thời gian này. Tuy nhiên, tác động làm bạn tỉnh trong giai đoạn REM sẽ khiến hiện tượng bóng đè xuất hiện. Lúc này, một phần não chịu trách nhiệm về nỗi sợ hãi và cảm xúc đang hoạt động tích cực là nguyên nhân chủ yếu tạo ra ảo giác và âm thanh ghê rợn.
Ảnh: BrightSide |
Tê liệt khi ngủ là một hiện tượng tự nhiên, có thể xảy ra với bất kỳ ai, không phân biệt tuổi tác, giới tính, tình trạng sức khỏe. Với trường hợp thường xuyên gặp phải hiện tượng này, các nhà khoa học đã xác định một số nguyên nhân cụ thể. Thứ nhất, bạn ngủ không ngon giấc, bao gồm các rối loạn giấc ngủ khác nhau, như mất ngủ, chứng ngủ rũ và thiếu ngủ. Tình trạng tê liệt khi ngủ thường gặp ở những người làm việc theo ca. Thứ hai, tư thế nằm ngửa khi ngủ có thể khiến người ngủ dễ bị tổn thương hơn do tăng áp lực lên phổi và đường thở. Thứ ba, yếu tố di truyền học cũng là một trong những nguyên nhân gây ra hội chứng này. Thứ tư, các vấn đề tâm lí như ảnh hưởng của chấn thương, áp lực, căng thẳng có thể tăng nguy cơ tê liệt khi ngủ.
Phương pháp tránh “bóng đè”
Ảnh: BrightSide |
Không thể phủ nhận rằng, chứng tê liệt khi ngủ là một trải nghiệm khó chịu và đáng lo ngại, mặc dù không gây nguy hiệm đến tính mạng. Hiện tại, chưa có phương pháp cụ thể nào để điều trị dứt điểm tình trạng bóng đè. Để phòng tránh, các bác sĩ khuyên bạn nên áp dụng thói quen ngủ lành mạnh hơn. Các phương áp được khuyến nghị bao gồm đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày, hạn chế dùng caffeine trước khi đi ngủ, tránh nằm ngửa hoặc nằm sấp khi ngủ, không để đồ điện tử trong phòng ngủ. Nếu không may gặp phải trạng thái bóng đè, hãy bình tĩnh và chờ đợi tín hiệu của não đến các cơ, cảm giác sẽ nhanh chóng kết thúc.
Theo BrightSide