Đôi điều về tục mời cơm người đã khuất
Tình nghĩa của người Việt được bện chặt trong truyền thống mời cơm để đối xử với nhau. Đặc biết là khi trong cộng động gia đình hay dòng tộc có một người đi xa. Đó là cả một bề dày văn hóa của một dân tộc trọng ân nghĩa, một nét đẹp cần được trân trọng và gìn giữ.
Quê tôi có tục mời cơm người đã khuất trong đủ thất tuần, tức 49 ngày kể từ khi họ vừa nhắm mắt. Ngày cơm ba bữa, cho đến ngày thứ 48 và kết thúc bằng lễ cũng cơm cầu siêu vào ngày 49. Ngày bác tôi mất, ngày 3 bữa, mẹ tôi dọn lên bàn mời hương hồn Bác thụ hưởng.
Chiều nay quét dọn trên Bảo điện của Am, tôi cứ nghĩ về Bác và bữa cơm mẹ tôi dọn ra mời cơm Bác mỗi ngày, từ khi bác nhắm mắt xuôi tay. Có điều gì đó rất thiêng liêng trong tình cảm của con người khi đối xử với nhau như vậy.
Lúc sống, có thể tình cảm đã rất thật, nhưng chính do còn sống với nhau, chung đụng giữa bao lo âu tất bật làm lụng hàng ngày, và những mệt mỏi va chạm.. ta sao tránh được vụng về khi ăn ở với nhau. Có thể, khi sống ta hoàn toàn xứng đáng trân quý nhau hàng ngày để nâng đỡ lo lắng cho nhau, dù thế nào, thì khi mất, những hành động như mẹ tôi làm hàng ngày, chỉ bồi đắp thêm nghĩa tình không vơi với người đã đi xa. Không thể nói là sống không cho ăn chết làm mồi tế cho ruồi, như có người từng nói.
Trong vòng 49 ngày bác mất, tôi thường xuyên về Am. Mỗi bữa sắp đến giờ ăn, tôi thấy mẹ tôi dọn phần ra trước đặt lên bàn mời Bác. Khi tôi cùng bố tôi ngồi vào bàn thì đã có phần cơm cúng Bác ở một góc bàn, như có bác đang ngồi chỗ bàn đó. Chúng tôi ăn đến giữa bữa thì mẹ tôi đi pha một cốc nước đặt vào phần cơm của Bác.
Có thể, nhiều người cho rằng, làm vậy là thừa, là nhiêu khê... Cuộc sống còn có vô vàn thứ để lo, để làm.
Vâng, cuộc sống vốn luôn biến động xoay vần giữa vô vàn khó nhọc. Nhưng, liệu có thừa không khi từ rất xa xưa cha ông chúng ta đã sống và hành xử như vậy để người với người được quyện lấy nhau trong sự keo sơn son sắt bền chặt bởi tình nghĩa thân tộc.
Tình nghĩa, là thứ có thật không, mà khi người kia vừa nằm xuống mà ta đã phủi tay sạch lòng thương nhớ? Không, người kia, người thân ta đó, "không chết". Người Việt không dùng từ chết để nói về người thân của mình. Vì, từ "chết', là từ không đủ nghĩa để diễn tả một người khi nhắm mắt, ngừng hơi thở thở để đi vào "thế giới bên kia", "Khuất bóng".
Khuất bóng, đây là từ chính xác nhất để khi người Việt nói về người thân mình ra đinh vào cõi "vĩnh hằng". Ta có một chuyến đi. Ta đi và người thân tiễn ta đi là người "đứng lại", nhìn vè phía ta. Ta đi, và "bóng" ta khuất dần cho đến lúc, người đứng tiễn ta không nhìn thấy ta nữa. Như thế gọi là khuất bóng. Bóng ta đã khuất, chìm vào nẻo xa...Người tiễn ta đi, biết rõ là ta vẫn đi, đi về phía ấy...
Ngày nay, còn bao nhiêu gia đình hành xử như vậy với người vừa nằm xuống? Bác tôi nhắm mắt hôm mùng 3 tháng 11. Ngày mai, 21 tháng Chạp, đúng ngày 49, người thân gia đình tôi đưa Bác đi xa.
Chiều, tôi trong khi đang quét thì chú Hương đi vào. Chú hỏi: “có cắm hoa gì không con phụ thưa thầy?” Tôi thưa: “dạ chưa Chú a”.
Tôi vừa quét vừa nói với Chú: “đơn giản thôi Chú a”. Tôi về đã mấy hôm, nhưng sao tôi không nghĩ đến chuyện phải đi mua hoa vì Am có lễ. Kể cũng lạ. Tôi có mặt. Tôi đang ở đây bên Bác. Thế thôi.
Mỗi tuần, ở Am, đều lễ cầu siêu tụng biến kinh Di Đà trong lúc cúng cơm cho Bác. Hơn thế, mỗi bữa, Bác đều có mặt trong bàn ăn chung mâm cơm gia đình. Trưa nay có ông Chú, anh em chú bác ruột với bố tôi cùng ngồi ăn, đó là chú Phả, Chú 83 tuổi. Chú hơn bố tôi 1 tuổi. Ngày 49, là ngày mai sẽ có các chú bác bà con trong thân tộc và trong làng đến cầu siêu. Được mất, ai biết được là đến đâu, nhưng nhân sinh thì cần những hành xử như vậy để đong đầy nghĩa tình giữa kẻ ở người đi.
Tôi ghi lại giữa một ngày trước của lễ thất tuần bác như đôi điều chia sẻ. Những điều bình dị mà ấm lòng của tình thân, của gia đình với người vừa khuất bóng. Đó là cả một bề dày văn hóa của một dân tộc trọng ân nghĩa, một nét đẹp cần được trân trọng và gìn giữ.
Tags:
Tâm Linh