Đời sống vốn bất toàn, con người không hoàn mỹ. Đó là lý do mà khi sống chung, chúng ta không nhiều thì ít thường gây đau khổ cho nhau. Chúng ta luôn muốn mình đúng, luôn cho mình phải, mình là nhất, là trung tâm vũ trụ, còn tất cả đi ngược với mình đều quấy, đều sai. Tâm cố chấp, hẹp hòi đó khiến chúng ta lao vào vòng xoáy của hơn thua, của phiền não, buồn khổ. Chúng ta vì không chấp nhận, không bằng lòng với cái mình có, nên mới dẫn đến bất an, ấm ức, hận người, oán đời.
Phật đã từng dạy chú tiểu La Hầu La: “Này La Hầu La, con hãy học cách hành xử của đất. Dù người ta có đổ và rải lên đất những thứ tinh sạch và thơm tho như hoa hương, nước ngọt và sữa thơm, hoặc người ta có đổ lên đất những thức hôi hám và dơ dáy như máu mủ, nước tiểu, đàm dãi và phân rác thì đất cũng tiếp nhận những thứ ấy một cách rất thản nhiên, không vướng mắc tự hào hay oán hờn, tủi nhục. Tại sao? Tại vì đất là địa đại, có dung tích rộng lớn, có khả năng tiếp nhận và chuyển hóa. Nếu tâm con rộng lớn vô lượng như đất thì con cũng có thể tiếp nhận và chuyển hóa tất cả mọi bất công và oan ức, và những thứ ấy sẽ không thể làm cho con buồn tủi và khổ đau”. Nếu chúng ta học được cách trải lòng, tự mình biết bé lại, biết nhẫn nhịn và chuyển hóa như đất thì cuộc sống sẽ dễ dàng hơn, an yên hơn.
Học hạnh của đất, xem mình như đất, nghĩa là chúng ta đã dẹp bỏ được tâm kiêu ngạo của mình.
Diệt trừ tâm kiêu ngạo cũng là bài học đầu tiên mà Đức Phật chỉ cho chư tăng thông qua việc tăng đoàn phải đi khất thực. Khi bỏ được lòng kiêu ngạo, có thể xem mình như đất, tĩnh tại, bình thản, thì có thể an nhiên đón nhận mọi thuận duyên, nghịch cảnh của trần đời. Khi bản ngã – cái tôi của mỗi người đã dẹp xuống, tự nhiên sẽ thấy được mình nhỏ lại, sống hòa ái, bình đẳng, vui vẻ với muôn loài. Nếu có những điều bất như ý kéo đến, cũng không dễ dàng lật đổ được tâm kiên định, lòng vững chãi, hạnh nhẫn nhục như đất. Ngược lại, nếu có ai tán thưởng, cung phụng, người học hạnh của đất cũng không lấy đó làm vui thích, tự mãn.
Hãy mở rộng lòng mình như đất, sống thảnh thơi, bình thản, bao dung và tha thứ. Đó là cách chúng ta trao cho người niềm vui, mà chính mình cũng đang tạo cơ hội để được yên bình, hạnh phúc.”
Tags:
Góc Tĩnh Tâm